04/10/2023
Kết quả thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành uỷ quý III năm 2023 kế hoạch thực hiện 3 tháng cuối năm 2023

UỶ BAN NHÂN DÂN - HUYỆN PHÚ XUYÊN

Số: 497/BC-UBND                                         

Ngày 27 tháng 9 năm 2023

BÁO CÁO

Kết quả thực hiện Chương trình 04-CTr/TU của Thành uỷ  quý III năm 2023; kế hoạch thực hiện 3 tháng cuối năm 2023

Thực hiện văn bản số 2794/SNN-VPĐPNTM ngày 06/9/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội về báo cáo kết quả thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy quý III/2023; kế hoạch thực hiện 3 tháng cuối năm 2023. UBND huyện Phú Xuyên báo cáo như sau:

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Công tác chỉ đạo, điều hành

          Từ đầu năm 2023, Thường trực Huyện ủy làm việc với Đảng ủy - HĐND - UBND các xã: Nam Triều, Phú Yên, Chuyên Mỹ về Kế hoạch triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2023. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã tổ chức triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và báo cáo Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 04 -CTr/TU của Thành ủy ngày 17/3/2021, Chương trình số 02-CTr/HU ngày 26/02/2021 của Huyện ủy. UBND huyện ban hành Kế hoạch số 181/KH-UBND ngày 28/4/2023 triển khai thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”; Kế hoạch số 219/KH-UBND ngày 02/6/2023 của UBND huyện về triển khai xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; Kế hoạch số 220/KH-UBND ngày 02/6/2023 của UBND huyện về triển khai xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023; Thông báo số 172/TB-UBND ngày 5/6/2023 của UBND huyện về phân công cơ quan, đơn vị nhiệm vụ phụ trách, hướng dẫn các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Phấn đấu xây dựng 03 xã đạt nông thôn mới nâng cao là: Nam Triều, Phú Yên, Chuyên Mỹ; 03 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu là: Tri Trung, Đại Thắng, Phúc Tiến.

          Sau khi kiện toàn Ban chỉ đạo huyện, UBND huyện, Ban Chỉ đạo huyện đã bám sát văn bản chỉ đạo của Thành phố, Huyện ủy để triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn. UBND huyện đã tổ chức 10 hội nghị giao ban với các ngành liên quan, các xã để rà soát, kiểm điểm tiến độ và chỉ đạo các xã xây dựng Kế hoạch tiếp tục duy trì, nâng cao tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Ban Chỉ đạo các xã đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Huyện để xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện, đồng thời kiện toàn Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới, Ban Giám sát cộng đồng, Ban Phát triển các thôn giai đoạn 2021-2025. Các xã phấn đấu NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đã tiến hành rà soát các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để xây dựng chi tiết kế hoạch thực hiện các tiêu chí chưa đạt. Đồng thời tổ chức giao ban, đánh giá kết quả hàng tháng để rút kinh nghiệm và kịp thời giải quyết những vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện.

2. Công tác tuyên truyền, vận động

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện xây dựng Kế hoạch số 96/KH-MTTQ-BTT ngày 11/4/2023 về triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thông tin và thể thao huyện hàng tuần có chuyên mục “Nông thôn mới” để tuyên truyền về Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nêu gương điển hình tiên tiến có cách làm hay, mô hình phát triển sản xuất có hiệu quả kinh tế cao trên hệ thống truyền thanh của huyện và các xã. Trong 6 tháng đầu năm, đã tuyên truyền trên 230 tin, bài trên hệ thống truyền thanh, Cổng Thông tin điện tử huyện. UBND huyện đã chỉ đạo các xã Tri Trung, Đại Thắng, Phúc Tiến tổ chức thành công Lễ đón nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022 và Trường học đạt chuẩn Quốc gia.

Ủy ban nhân dân huyện phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố tổ chức 07 lớp tập huấn bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới của huyện, xã, thôn và cụm dân cư.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐẾN QUÝ II/2023

1. Về xây dựng nông thôn mới

1.1. Về kết quả xây dựng xã nông thôn mới nâng cao

          Đến nay, huyện Phú Xuyên có 03 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 là: Đại Thắng, Tri Trung và Phúc Tiến. Năm 2023, 03 xã đăng ký phấn đấu đạt tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, tiến độ thực hiện như sau:

* Xã Nam Triều:

- Tiêu chí đạt và cơ bản đạt (15 tiêu chí): Thủy lợi và Phòng chống thiên tai, Điện, Văn hóa, Hành chính công, Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Thu nhập, Nhà ở dân cư, Nghèo đa chiều, Lao động, Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, Văn hóa, Y tế, Tiếp cận pháp luật, Chất lượng môi trường sống, Quốc phòng và An ninh.

-  Tiêu chí chưa đạt (4 tiêu chí): Quy hoạch, Giao thông, Giáo dục, Môi trường.

* Xã Phú Yên:

- Tiêu chí đạt và cơ bản đạt gồm (16 tiêu chí): Thủy lợi và Phòng chống thiên tai, Điện, Văn hóa, Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, Hành chính công ,Thông tin Truyền thông, Nhà ở dân cư, Thu nhập, Nghèo đa chiều, Lao động, Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, Y tế, Tiếp cận pháp luật, Chất lượng môi trường sống, Quốc phòng và An ninh.

- Tiêu chí chưa đạt (03 tiêu chí): Quy hoạch, Giao thông, Môi trường.

* Xã Chuyên Mỹ

- Tiêu chí đạt và cơ bản đạt (16 tiêu chí): Thuỷ lợi và phòng chống thiên tai,  Điện, Giáo dục, Văn hóa, Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, Thông tin và Truyền thông ,Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, Nhà ở dân cư, Thu nhập, Nghèo đa chiều, Lao động, Hành chính công, Tiếp cận pháp luật, Chất lượng môi trường sống, Quốc phòng và An ninh.

- Tiêu chí chưa đạt (03 tiêu chí): Quy hoạch, Giao thông, Môi trường.

1.2. Đối với xã phấn đấu xây dựng đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu

1.2.1. Xã Đại Thắng

Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/ĐU ngày 17/05/2023 về công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2023-2024, Quyết định số 05-QĐ/ĐU ngày 06/4/2023 về thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng NTM kiểu mẫu; UBND xã xây dựng Kế hoạch số 67/KH-UBND ngày 18/7/2023 về triển khai xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu xã Đại Thắng năm 2023-2024. Xã Đại Thắng thống nhất thực hiện tiêu chí tự chọn là lĩnh vực Y tế và triển khai Mô hình thôn thông minh tại thôn Phú Đôi. Đến tháng 9/2023, đánh giá mức độ các tiêu chí đạt 86/100 điểm.

1.2.2. Xã Tri Trung

Đảng ủy xã ban hành Nghị quyết số 37-NQ/ĐU ngày17/4/2023 về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2022-2025, Quyết định số 37-QĐ/ĐU ngày 17/4/2023 về thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng NTM kiểu mẫu; UBND xã xây dựng Kế hoạch số 46/KH-UBND ngày 12/5/2023 về triển khai xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 trên địa bàn xã Tri Trung. Xã Tri Trung thống nhất thực hiện tiêu chí tự chọn là lĩnh vực Văn hoá và triển khai Mô hình thôn thông minh tại thôn Tri Chỉ. Đến tháng 9/2023, đánh giá mức độ các tiêu chí đạt 84/100 điểm.

1.3. Kết quả xây dựng huyện nông thôn mới

Ngày 18/6/2022, Huyện đã chỉ đạo tổ chức Lễ công bố và đón nhận Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 25/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Phú Xuyên đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020.       

2. Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp

2.1. Lĩnh vực trồng trọt

Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các xã tập trung sản xuất vụ Xuân 2023. Kết quả: tổng diện tích lúa là 6.603 ha/6.624 ha, đạt 99,7%, trong đó: diện tích cây lúa là 6.594,5 ha, năng suất ước đạt 65,4 tạ/ha; diện tích cây màu và cây trồng khác là 927,5 ha. Diện tích gieo trồng vụ Mùa là: 6.807,8 ha/7.176,53 ha đạt 94,8% so với cùng kỳ năm 2022. Năng suất lúa ước đạt 60,5 tạ/ ha.

2.2. Về chăn nuôi

Tình hình chăn nuôi trên địa bàn huyện đang ổn định và phát triển: đàn trâu, bò có trên 4.280 con tăng 6,6% so với cùng kỳ; đàn lợn hiện có 47.755 con so với cùng kỳ tăng 5,4% chủ yếu là đàn lợn thịt; đàn gà có 735.000 con tăng 6,4% so với cùng kỳ, đạt vịt, ngan có 1.570.000 con tăng 5,4% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và thủy sản.

2.3. Về thuỷ sản

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản cả huyện trên 2.500 ha. Năng suất ước đạt trên 6,2 tấn/ha. So với cùng kỳ năm trước đạt 107%.

2.4. Số lượng liên kết theo chuỗi, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Trên địa bàn huyện có nhiều Mô hình Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đảm bảo an toàn thực phẩm như: Mô hình trồng Nho hạ đen xã Hồng Thái; mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng xã Minh Tân; mô hình nuôi cá theo quy trình VietGAP xã Quang Lãng; chăn nuôi lợn xã Tân Dân, Hồng Thái sử dụng giống mới nhập nội, chăn nuôi theo công nghệ chuồng kín có hệ thống điều tiết nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, có hệ thống máng ăn, uống tự động.

Các sản phẩm nông nghiệp chủ lực (lúa, rau, quả an toàn, ...) của huyện Phú Xuyên ngoài tiêu dùng tại chỗ, số lượng còn lại đã được các HTX nông nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn các xã tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đảm bảo đạt 100%. Có 05 mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết ổn định gồm: nuôi lợn thịt tại xã Quang Lãng, xã Hồng Thái, xã Nam Tiến; nuôi lợn hậu bị tại xã Tân Dân, rau an toàn xã Hồng Thái, Minh Tân; sản xuất mạ khay, cấy máy xã Nam Tiến, Nam Triều.

2.5. Kết quả thực hiện cơ giới hóa trong nông nghiệp trên địa bàn

Để đẩy mạnh phát triển cơ giới hoá trong nông nghiệp, UBND huyện khuyến khích các hợp tác xã, đơn vị liên kết đồng bộ các khâu từ làm đất, gieo cấy và thu hoạch. Hỗ trợ 50% kinh phí mua giống lúa mới, giống đậu tương, giống ngô sinh khối, khoai tây, giống bí các loại.

3. Về phát triển kinh tế nông thôn

3.1. Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, tổ hợp tác

Đến nay huyện Phú Xuyên có tổng số 77 HTX, 100% HTX chuyển đổi theo luật hoặc thành lập mới theo Luật HTX 2012, trong đó: 64 HTX nông nghiệp và 13 HTX Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ.

- Về hợp tác xã (HTX) nông nghiệp: Các HTX NN đều được duy trì và hoạt động ổn định; trong 64 HTX NN có 31 HTX dịch vụ tổng hợp, 33 HTX nông nghiệp chuyên ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản quy mô vừa và nhỏ thành lập mới trên địa bàn huyện được thành lập theo nhu cầu hợp tác sản xuất hoặc tiêu thụ của nhóm các hộ nông dân tại từng địa phương.

3.2. Phát triển kinh tế trang trại

Toàn huyện có 100 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó: trang trại chăn nuôi: 17, trang trại tổng hợp: 11, trang trại thủy sản: 72.

3.3. Về làng nghề

Toàn huyện có 43 làng nghề được Thành phố công nhận, trong đó 42 làng nghề đang hoạt động. Trong đó có những làng nghề truyền thống được nhiều nơi biết đến như: Khảm trai xã Chuyên Mỹ là thủy tổ nghề khảm trai có từ thế kỷ 11; nặn Tò he thôn Xuân La, xã Phượng Dực có cách đây 300 năm và là làng nghề duy nhất có ở Việt Nam. Ngoài ra còn có những làng nghề tiêu biểu khác như may comple  xã Vân Từ, giầy da xã Phú Yên, đan cỏ tế xuất khẩu xã Phú Túc, đồ gỗ cao cấp xã Tân Dân, Nam Tiến, nghề cơ kim khí xã Đại Thắng, dệt lưới chã xã xã Quang Trung…

Có 03 nhãn hiệu làng nghề được công nhận là: Giày da xã Phú Yên, Khảm trai xã Chuyên Mỹ và Kẹo Cổ Hoàng xã Hoàng Long.

3.4. Phát triển các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn

Trên địa bàn có 04 cụm công nghiệp đang triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Tiến độ cụ thể như sau: Cụm công nghiệp Phú Túc quy mô 5,94 ha, Cụm Công nghiệp Đại Thắng quy mô 7,37 ha đã cơ bản hoàn thiện xây dựng hạ tầng kỹ thuật, Cụm công nghiệp Phú Yên quy mô 10 ha đến nay đã hoàn thiện xong GPMB đang triển khai thi công hạ tầng kỹ thuật, Cụm công nghiệp Vân Từ quy mô 7,0 ha đến nay Dự án đang triển khai thủ tục giải phóng mặt bằng .

4. Về nâng cao đời sống nông dân

Đời sống nông dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 1,38%; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 93,5%; có 25/25 Trạm y tế xã có bác sỹ, do vậy công tác chăm sóc sức khỏe người dân được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn được giữ vững. Hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện, cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần nông dân, hạn chế các tệ nạn xã hội.

5. Về kết quả quận hỗ trợ huyện

Tính đến quý III/2023 tổng kinh phí các quận nội thành hỗ trợ huyện Phú Xuyên để xây dựng công trình cơ sở hạ tầng đạt tiêu chí nông thôn mới là 130.550 triệu đồng.

III. Kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm

1. Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình đến quý II/2023

Từ năm 2021 đến 2022, huyện Phú Xuyên đã có 80 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đạt từ 03 sao trở lên. Các chủ thể OCOP thường xuyên tham gia các hoạt động trưng bày, quảng bá, xúc tiến thương mại tổ chức tại Thành phố và các tỉnh thành trên cả nước. Trên địa bàn huyện có 03 điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại xã Phú Yên, Sơn Hà và Tân Dân.

2. Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP năm 2023

Năm 2023, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND ngày 8/3/2023 về triển khai thực hiện Chương trình OCOP. UBND huyện đã tổ chức tuyên truyền, triển khai tới các xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện đăng ký chủ thể tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023. Từ tháng 6/2023, UBND huyện đã chỉ đạo phòng Kinh tế phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các thủ tục hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn cho các chủ thể hoàn thiện hồ sơ dự thi chấm điểm sản phẩm OCOP. Đến ngày 29/8/2023, UBND huyện đã phối hợp với Tổ Giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng OCOP Thành phố, đơn vị tư vấn tổ chức đánh giá 54 sản phẩm OCOP của huyện, trong đó có 45 sản phẩm OCOP mới năm 2023 và 09 sản phẩm đánh giá lại.

IV. KẾT QUẢ HUY ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG VỐN

Kết quả huy động vốn và giải ngân thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới luỹ kế từ năm 2021 đến quý III/2023 của huyện Phú Xuyên:

Tổng nguồn vốn: 4.651.595 triệu đồng, trong đó:

- Ngân sách Thành phố: 702.000 triệu đồng

- Ngân sách cấp huyện: 3.925.528 triệu đồng

- Vốn huy động ngoài ngân sách: 24.067 triệu đồng

V. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Kết quả đạt được

          1.1. Xây dựng nông thôn mới

Công tác xây dựng nông thôn mới được Huyện ủy, HĐND - UBND huyện chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên. Nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về xây dựng nông thôn mới đã có sự thay đổi. Đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới từ huyện đến cơ sở đã được trang bị kiến thức lý luận và thực tiễn trong triển khai thực hiện. Vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới đã từng bước được xác định rõ ràng, qua đó đã khuyến khích, động viên được người dân tích cực tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới nhất là xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội khu vực nông thôn nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh tiếp tục được đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện từng bước hiện đại theo hướng đô thị. Hệ thống giao thông nội đồng, kênh mương, thủy lợi phục vụ sản xuất được ưu tiên đầu tư đảm bảo an toàn trong phòng chống lũ, tiêu thoát nước. Nổi bật là hệ thống đường trục xã, liên xã đã được nhựa hóa, bê tông hóa; đường trục thôn, liên thôn, xóm được bê tông hóa. Cơ sở vật chất trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, mức độ 2.

          1.2. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì ổn định, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp hình thành, phát triển các vùng chuyên canh tập trung về nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi, trồng rau, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; bước đầu hình thành một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng tạo điều kiện để phát triển bền vững. Đồng thời đã chủ động kiểm soát tốt công tác phòng trừ dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi.

          1.3. Nâng cao đời sống nông dân

Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, nhiều làng nghề truyền thống ở các xã Đại Thắng, Vân Từ, Phú Yên,...được mở rộng và phát triển, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh giảm nghèo nông thôn. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tiếp tục tăng. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe người dân có nhiều tiến bộ. Công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, đời sống nông dân từng bước được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

          1.4. Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Chương trình OCOP mới được triển khai đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là về mặt nhận thức của xã hội và cấp ủy, chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã về vị trí của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn. Các sản phẩm OCOP được xếp hạng đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

2. Những tồn tại, hạn chế

2.1. Xây dựng nông thôn mới

Hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn các xã đã được quan tâm đầu tư nhưng một số tiêu chí còn đạt ở mức thấp: Trường học đạt chuẩn Quốc gia, môi trường, nước sạch, cảnh quan nông thôn một số nơi còn chưa đảm bảo.

Việc huy động nguồn kinh phí đầu tư cho các dự án, công trình xây dựng NTM chưa đáp ứng nhu cầu của địa phương; công tác vận động nguồn lực xã hội hóa, đóng góp của người dân còn hạn chế.

Cấp ủy, chính quyền một số cơ sở còn chưa thực sự chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ, nâng cao chất lượng môi trường, cảnh quan nông thôn.

2.2. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn

Sản xuất nông nghiệp tập trung, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều; mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã để sản xuất tiêu thụ nông sản còn nhỏ lẻ, tự phát.

Cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, chưa thu hút được các hộ, các doanh nghiệp đầu tư nhất là lĩnh vực chế biến nông sản, giết mổ gia súc gia cầm.

2.3. Nâng cao đời sống nông dân

Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch tập trung còn thấp. Tại một số xã vẫn còn lao động thiếu việc làm, đời sống kinh tế còn khó khăn.

2.4. Chương trình mỗi xã một sản phẩm

Trong quá trình rà soát hồ sơ, sản phẩm mặc dù chất lượng tốt nhưng hồ sơ minh chứng thường không đầy đủ; bao bì thiết kế đơn giản, mẫu mã sản phẩm chậm đổi mới; nội dung giới thiệu về sản phẩm còn sơ sài chưa gắn kết được lịch sử, văn hóa của địa phương. Chính vì vậy sức lan toả, giá trị gia tăng của sản phẩm OCOP còn thấp.

3. Nguyên nhân

Việc đầu tư kinh phí cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn còn nhiều hạn chế do sản xuất nông nghiệp tiềm ẩn nhiều rủi ro và hiệu quả kinh tế đạt được chưa cao.

Quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nguồn kinh phí lớn nên chưa đáp ứng được nhu cầu của các địa phương.

Công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa, trách nhiệm của người dân trong xây dựng nông thôn mới tuy đã được cải tiến nhưng hình thức còn chưa phong phú, hiệu quả; một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở còn tư tưởng trông chờ vào nguồn đầu tư của nhà nước, thiếu chủ động phát huy nội lực của địa phương để đạt những tiêu chí cần ít tiền như vệ sinh môi trường, văn hóa, thể thao ...

VI. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN 3 THÁNG CUỐI NĂM 2023

1. Mục tiêu

- Phấn đấu xây dựng xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao tại 03 xã: Chuyên Mỹ, Phú Yên, Nam Triều; có 02 xã: Đại Thắng, Tri Trung đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

- Các xã còn lại rà soát các tiêu chí theo Quyết định số 3098/QĐ-UBND ngày 29/8/2022 của UBND Thành phố về ban hành Bộ Tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

- Chỉ đạo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản xuất vụ Đông 2023 -2024, hỗ trợ mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học công nghệ cao, liên kết sản xuất để tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích.

- Đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề, các ngành nghề nông thôn.

2. Nhiệm vụ, giải pháp

2.1. Về Xây dựng nông thôn mới

- Tiếp tục công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Thực hiện tốt nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch để người dân thực sự là chủ thể trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao; căn cứ vào tình hình thực tế, các xã chủ động lựa chọn các tiêu chí, nội dung có tính khả thi cao thực hiện trước, giải quyết đề xuất, kiến nghị của nhân dân.

- Đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại theo quy hoạch. Ưu tiên cải thiện hệ thống đường giao thông, hệ thống tưới tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, thoát nước thải, cấp nước sạch. Đầu tư xây dựng đường giao thông, trường học, trạm y tế. Cải tạo, hoàn chỉnh hệ thống chiếu sáng, tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch mạng lưới điện nông thôn, tập trung nâng cấp mạng lưới điện nhằm đảm bảo yêu cầu về điện trong sinh hoạt, trong sản xuất và các hoạt động khác trên địa bàn. Tăng cường đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá ở cơ sở.

- Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tạo bước đột phá cho sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các xã thực hiện. Đồng thời huy động tối đa nguồn lực của địa phương để thực hiện chương trình, trong đó quan tâm đến hạ tầng khung, hạ tầng phát triển kinh tế, xã hội, thương mại, dịch vụ, các cụm công nghiệp làng nghề, các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh gắn với liên kết chuỗi giá trị, các mô hình sản xuất công nghệ cao. Quan tâm đảm bảo vấn đề an sinh xã hội, vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn và giữ vững an ninh trật tự.

- Xây dựng kế hoạch lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu của các cấp. Đồng thời thực hiện cơ cấu lại các khoản chi ngân sách nhà nước theo hướng tiết kiệm, hiệu quả; huy động tối đa nguồn vốn từ đất và nguồn vốn xã hội hoá để tạo ra nguồn lực tổng hợp.

2.2. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn

- Xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai các dự án nông nghiệp làm căn cứ để các xã, đơn vị tổ chức thực hiện.

- Làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn quản lý tốt công tác phòng chống sâu bệnh hại cây trồng và dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

- Đẩy nhanh triển khai thực hiện xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp làng nghề Phú Túc, Đại Thắng, Phú Yên, Vân Từ. Phối hợp với đơn vị liên quan xúc tiến mời gọi doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả tại Khu Công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội.

2.3. Nâng cao đời sống nông dân

- Tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên gương mẫu, nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Xây dựng, hoàn thiện, tăng cường hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa từ huyện tới cơ sở, đặc biệt là nhà văn hóa, khu vui chơi, giải trí ở thôn, cụm dân cư. Khuyến khích các tầng lớp Nhân dân sáng tạo và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống phi vật thể. Đẩy mạnh xã hội hoá nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển văn hoá.

- Nâng cao chất lượng về giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh đổi mới phương thức dạy và học theo hướng hiện đại, gắn với thực tiễn cuộc sống; thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Tập trung đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

- Nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ nhân dân; phát triển mô hình bác sỹ gia đình; chủ động trong công tác y tế dự phòng, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, từng bước thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Củng cố và nâng cao hiệu quả công tác y tế dự phòng, chủ động phòng, chống dịch bệnh. Đẩy mạnh công tác quản lý và phòng, chống các dịch, bệnh trong cộng đồng dân cư. Thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Phối hợp với nhà đầu tư đẩy nhanh thực hiện dự án cấp nước sạch, lắp đặt hạ tầng cấp nước, tuyên truyền, phổ biến tới nhân dân trên địa bàn về việc sử dụng nước sạch vệ sinh môi trường. Chú trọng quản lý chất thải từ các cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về pháp luật bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh có ảnh hưởng đến môi trường; xây dựng và duy trì các tuyến đường hoa, tranh bích họa tại các xã.

- Thực hiện tốt công tác tiếp dân, xử lý và giải quyết dứt điểm các vụ việc ngay từ cơ sở không để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài, hình thành các điểm nóng. Thường xuyên mở và thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, kiềm chế sự gia tăng của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đảm bảo an ninh, trật tự nông thôn luôn được duy trì, giữ vững.

2.4. Chương trình mỗi xã một sản phẩm

- Phối hợp với các sở, ngành Thành phố tổ chức quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, lễ hội...

- Chuẩn bị hồ sơ các sản phẩm đề nghị Thành phố đánh giá phân hạng các sản phẩm OCOP đạt 4 sao.

VII. KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT

Để thực hiện tốt Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy  năm 2023, huyện Phú Xuyên đề xuất kiến nghị Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy, UBND Thành phố, các Sở, ban ngành như sau:

1. UBND Thành phố quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn các xã triển khai xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu như: Xây dựng trường Tiểu học Nam Triều đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2, hệ thống đường giao thông, Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, Trụ sở Ban Chỉ huy Quân sự, Ban Công an xã...Trong đó ưu tiên đầu tư đối với 03 xã đăng ký đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao và 02 xã đăng ký đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

2. Đề nghị Thành phố, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Kế hoạch và Đầu tư giới thiệu các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, các cụm công nghiệp và khu giết mổ tập trung trên địa bàn huyện Phú Xuyên.

Trên đây là báo cáo của UBND huyện Phú Xuyên về kết quả thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2023 của Thành ủy đến quý III năm 2023; kế hoạch thực hiện 3 tháng cuối năm 2023 kính gửi Sở Nông nghiệp và PTNT Thành phố, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố tổng hợp./.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

Nguyễn Trọng Vĩnh

Tin khác
HƯỚNG DẪN ĐĂNG KÝ OCOP
Tài liệu OCOP
1Bộ sản phẩm: Rau, củ, quả, hạt tươi
2Bộ sản phẩm: Thịt, thủy sản, trứng, sữa tươi
3Bộ sản phẩm: Gạo, ngũ cốc, hạt sơ chế khác
4Bộ sản phẩm: Mật ong, mật khác và nông sản thực phẩm khác
5Bộ sản phẩm: Đồ ăn nhanh
6Bộ sản phẩm: Chế biến từ gạo, ngũ cốc
7Bộ sản phẩm: Chế biến từ rau, củ, quả, hạt
8Bộ sản phẩm: Chế biến từ thịt, thủy sản, trứng, sữa, các sản phẩm từ mật ong, mật khác và nông sản thực phẩm khác
9Bộ sản phẩm: Tương, nước mắm, gia vị dạng lỏng khác
10Bộ sản phẩm: Gia vị khác (muối, hành, tỏi, tiêu)
11Bộ sản phẩm: Chè tươi, chè chế biến
12Bộ sản phẩm: Sản phầm trà từ thực vật khác
13Bộ sản phẩm: Cà phê, cacao
14Bộ sản phẩm: Rượu trắng
15Bộ sản phẩm: Đồ uống có cồn khác
16Bộ sản phẩm: Nước khoáng thiên nhiên, nước tinh khiết
17Bộ sản phẩm: Đồ uống không cồn khác
18Bộ sản phẩm: Thực phẩm chức năng, thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền
19Bộ sản phẩm: Mỹ phẩm có thành phần từ thảo dược
20Bộ sản phẩm: Tinh dầu và thảo dược khác
21Bộ sản phẩm: Thủ công mỹ nghệ
22Bộ sản phẩm: Vải, may mặc
23Bộ sản phẩm: Hoa
24Bộ sản phẩm: Cây cảnh
25Bộ sản phẩm: Động vật cảnh
26Bộ sản phẩm: Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch

@ TrangvangVietnam.top - Trang Vàng Việt Nam